TRANG TỬ Với Triết Học Phương Tây

Đặng Phùng Quân
 
 
 

1/
Tư tưởng cổ đại phương đông cũng có những vấn đề nghi hoặc về văn bản, tác giả và chính thống. Nếu dựa trên khu biệt triết học với phi triết học theo tiêu chuẩn tây phương để cứu xét, chẳng hạn nơi triết học trung hoa, một số những nhà tư tưởng hay trường phái cũng ở trong tình trạng phải tranh luận, như đã nói đến ở trên, do sự khuynh loát của hệ thống Nho gia thống trị. Tuy nhiên, nói đến Nho gia cũng không có nghĩa là bỏ tất cả những lý luận của các phái khác nhau vào chung một rọ; lý ưng, ít ra từ những học thuyết đa dạng chỉ ra ba con đường: một, con đường Trung quốc đại đạo chỉ hình thành từ khi bạo quyền thống nhất đất nước, thu vào một mối với những trí thức phục vụ lãnh đạo củng cố chế độ toàn trị, khởi đầu với đế chế quân chủ như hình thái chính trị đầu tiên tiêu diệt ý thức dân chủ của con người sống trong cộng đồng, tập thể, đô thị; hai, ý thức được chính trị có căn rỗi từ đạo lý làm gốc, con người là cơ bản nên xu hướng đa nguyên là tiêu chí của tư tưởng nên ngay từ khởi sự đã không có manh động trấn áp những tiếng nói khác nhau; ba, nguyên lý tổng hợp là phương pháp luận lấy những phạm trù là cơ sở để phân tích, thúc đẩy thực nghiệm lập thành những khoa học khác nhau tạo ra sự tiến bộ phát triển và khai phá nhiều thành quả xây dựng xã hội.

Dưới lối nhìn của tư tưởng hiện đại, khi xét đến di sản của triết học Trung hoa cũng như triết học Ấn độ, có thể nói gì về Khổng Khưu, về Trang Chu, về Long Thọ v.v..?

Trong khung cảnh một điển hình, tôi sẽ nói về Trang tử. Cũng như phần lớn những nhà tư tưởng cổ đại, xuyên qua bao thăng trầm của lịch sử văn hóa, Trang tử là con người có thực sống ở trong một thời đại nhất định, song cũng do những hạn chế của thông tin, nhân vật tư tưởng còn chứa đựng huyền thuyết lẫn vào thực tại.

Trước hết là con người lịch sử, như ghi trong Sử ký của Tư Mã Thiên: Thầy Trang, người đất Mông, tên là Chu. Chu từng làm chức lại, coi 'vườn sơn'[Tất viên] ở Mông, đồng thời với Huệ vương nước Lương, Tuyên vương nước Tề. Học của thầy, không đâu là không dòm tới, song chỗ cốt yếu, gốc ở lời của thầy Lão. Cho nên sách thầy viết hơn mười vạn chữ, đại để đều là ngụ ngôn. Làm những bài Ngư phủ, Đạo Chích, Khư Khíp để chế diễu bọn thầy Khổng, và tỏ rõ đạo thầy Lão. Những tên Úy Lũy, Hư Cang Tang tử đều là chuyện bịa không có thực. Nhưng khéo viết văn, sắp lời, chỉ việc, tả tình, để bài bác bọn nhà Nho, nhà Mặc. Dù những người học rộng đời bấy giờ, cũng không sao cãi để tự gỡ lấy mình được. Lời của thầy mông mênh phóng túng cốt thích ý mình, cho nên các bậc Vương, Công đều không ai biết là người thế nào nữa!

"Uy vương nước Sở nghe Trang Chu giỏi, sai sứ đem nhiều của sang mời, hứa cho làm Tướng. Trang Chu cười bảo sứ giả nước Sở: Nghìn vàng là lợi lớn. Khanh, Tướng là ngôi cao. Nhà thầy lại không thấy con Trâu đem tế Trời đó sao? Nuôi nấng trong vài năm, đem gấm vóc để mặc cho để đưa vào Thái miếu. Trong lúc ấy, dù muốn làm con lợn con mất mẹ nữa, dễ mà được đâu? Nhà thầy đi ngay! Đừng dây bẩn! Tôi, thà chơi đùa ở trong rạch bùn cho thích, chứ không để cho kẻ có nước ràng buộc nổi. Suốt đời không làm quan, để cho thích chí tôi!" (Bản dịch của Nhượng Tống).

Trang Tử hay Nam Hoa Kinh là tác phẩm chính thống duy nhất của Trang tử; tuy nhiên ngay chính nội dung sách vẫn còn là một vấn đề tranh cãi. Cho nên, như học giả Harold Roth từng đặt vấn đề nghiên cứu khi hỏi: Ai đã tập hợp Trang tử? từ nhận xét là từ lâu người ta đã nhận ra sách này không là một bản văn đồng nhất. Sớm như thế kỷ thứ bảy ở bản địa Trung hoa, nhiều học giả đã nghi hoặc về tính thống nhất của tác phẩm, bốn thế kỷ sau thi sĩ-học giả danh tiếng Tô Đông Pha (1036-1101) khẳng định là những chương 28 đến 31 không phải do Trang Chu viết, học giả đời Nam Tống là La Miễn Đạo cũng theo họ Tô loại ra những chương 28-31 và nối chương 27 tiếp sang chương 32, và đặt nghi vấn hai chương 15 và 16, soạn lại tác phẩm thành hai mươi sáu chương mới. Dựa trên nghiên cứu của Angus Graham, Roth kể ra sáu tầng cơ bản trong ba phần chính gồm 33 chương của sách Trang tử gồm Nội thiên (chương 1-7), Ngoại thiên (ch. 8-22)Tạp thiên (ch. 23-33) như sau: 1/ những chương từ 1 đến 7 do con người lịch sử có thật là Trang tử (sống cùng thời với Lương Huệ vương (trị vì từ 370-319) và Tề Tuyên vương (trị vì từ 319-301) viết gồm những chủ đề chính như tiêu dao với đạo, mọi kinh nghiệm của con người có tính tương đối v.v..; 2/ những chương từ 8 đến 11 do một người chịu ảnh hưởng sách Lão tử, cũng như ảnh hưởng của phái Nông gia đã mai một từ lâu; 3/ những chương từ 12 đến 16 và chương 33 có thể do những người chịu ảnh hưởng của Tống Hình và Doãn Văn ở thời sơ Hán và trong nhóm Hoàng Lão; 4/ những chương từ 17 đến 22 nhái từ những chủ đề và văn phong từ Nội thiên; 5/ những chương từ 23 đến 27 và 32 là tập hợp không đồng nhất những đoản văn bắt nguồn từ những tầng khác; 6/ những chương từ 29 đến 31 là những chương đáng ngờ nhất, tiêu biểu cho phái Dương Chu mà Graham phỏng định ở khoảng năm 200 trước Công nguyên. Học giả Quan Phong cho là mấy chương này của Trang Hạnh nên dễ lầm với Trang Tử.

Jean François Billeter chỉ ra bốn cách của những nhà chú giải sách Trang tử: một là dịch và bình luận dựa trên chú giải truyền thống của Trung hoa; hai là minh giải hay cách tân chú giải, nhờ vào lịch sử tư tưởng và tôn giáo của Trung hoa cổ đại; ba là đặc biệt nghiên cứu bản văn về mặt ngữ học, quan tâm đến những vấn đề về nguồn gốc và chính thống; bốn là nỗ lực làm mới khi tiếp cận động lực trong Trang tử với môt số những ý tưởng riêng trong triết học phương tây, nhất là thuộc hiện đại. Billeter mưu tìm một phương cách khác, khi xét tác phẩm dưới quan điểm triết học, ít ra là tác phẩm của một triết gia. Ý tưởng này theo ông mở ra một viễn cảnh mới. Billeter quan niệm triết gia là người tự nghĩ, lấy đối tượng cho tư duy là kinh nghiệm về chính mình, về tha nhân và thế giới, được thông tin về những điều những triết gia khác đã nghĩ, ý thức những bẫy ngôn ngữ giăng ra và do đó có được cách sử dụng có phê phán. Vì vậy, ông nghĩ có một bình đẳng về nguyên tắc giữa ông và nhà tư tưởng ông đi nghiên cứu là Trang tử với kinh nghiệm của ông và Billeter phần nào gặp nhau. Ông lại tìm được ở Wittgenstein, triết gia hiện đại một nhận xét trong những nghiên cứu triết học, ”cái khó không phải ở chỗ tìm ra giải pháp, song ở chỗ nhận ra giải pháp trong những gì có vẻ chỉ là tiền đề mà thôi”, cái khó ở chỗ biết dừng lại, từ giải thích, sớm muộn cũng dẫn đến miêu tả mà thôi. Billeter khám phá ra từ đó là khi Trang tử nghĩ về mình và kinh nghiệm của riêng mình, Trang tử đã miêu tả ra nó một cách chính xác và hấp dẫn về cái gần vô cùnghầu như trực tiếp. Đây chính là một thứ hiện tượng luận Billeter đề cập trong những tranh biện và nghiên cứu khác.

Phải biết dừng lại ở miêu tả như Wittgenstein quan niệm, theo Billeter chỉ ra hai ý nghĩa: phải biết treo lửng những sinh hoạt tập quán của mình để chú tâm xem xét cái gì hiện ra trước mắt hay ở gần bên chúng ta và phải mô tả chính xác cái gì chúng ta quan sát, tìm những từ đúng và làm chủ ngôn ngữ. Ông nêu ra mấy ngụ ngôn của Trang tử như:

"Hoàn công đọc sách ở trong phòng, người thợ đóng xe Biển đẽo bánh xe ở dưới thềm, buông dùi, đục, bước lên thềm và hỏi Công: Dám hỏi nhà vua đang đọc gì vậy? - Những lời của thánh nhân, Hoàn công trả lời. Thánh nhân còn trên đời? - Không, họ đã chết rồi. - Thế thì những cái nhà vua đọc đó là cặn bã của người xưa thôi! - Một thợ đóng xe sao dám lạm bàn những gì quả nhân đang đọc sao! Hoàn công nói, nếu nhà ngươi nói cho thông thì ta tha, nếu không, nhà ngươi sẽ chết! - Biển đáp, Tôi đây xét việc theo kinh nghiệm của mình ra mà nói. Khi tôi đẽo bánh xe mà làm nhẹ nhàng quá thì không bám, khi làm mạnh tay quá thì chối [không vào trong gỗ]. Giữa mạnh và nhẹ, bàn tay tìm ra được, mà tâm trí đáp ứng. Có ngón nghề ở đó mà không thể diễn tả bằng lời, không thể truyền đạt lại cho con cái, mà chúng cũng không thể học được ở tôi, và thế là tuổi đã qua bẩy mươi, đã già thế này vẫn còn đẽo xe. Cái không thể truyền lại được, cổ nhân đã mang theo đi vào cõi chết. Cái mà nhà vua đọc đó chỉ là cặn bã của người xưa thôi. ("Chương 13: Đạo trời/La voie du Ciel).

Billeter đề cập việc phỏng dịch đoạn văn miêu tả: 'đẽo bánh xe mà làm nhẹ nhàng quá thì không bám, khi làm mạnh tay quá thì chối không vào trong gỗ' {Nhượng Tống dịch: đẽo bánh xe, chậm thì ngọt mà không bền; mau thì chối mà không vào], tuy nhiên đoạn văn tiếp theo mới thực quan trọng: 'giữa mạnh và nhẹ, bàn tay tìm ra được mà tâm trí đáp ứng' [Nhượng Tống dịch: không chậm, không mau, hiểu nó ở tay, mà ứng vào lòng] diễn tả kinh nghiệm 'có ngón nghề ở đó không thể diễn tả bằng lời, không thể truyền đạt lại'. [Bản dịch Đức ngữ của Richard Wilhelm: Wenn man beim Rädermachen zu bequem ist, so nimmt man's zu leicht, und es wird nicht fest. Ist man zu eilig, so macht man zu schnell, und es paßt nicht. Ist man weder bequem noch zu eilig, so bekommt man's in die Hand, und das Werk entspricht der Absicht. Man kann es mit Worten nicht beschreiben, es ist ein Kunstbegriff dabei.]

Billeter luận: tâm trí/sin ghi nhận những kết quả và dần dà rút ra ở đó niệm thức của cử động kỳ thành, có một tầm phức tạp lớn về mặt vật lý và toán học, song lại đơn giản với người sở hữu nó. Làm chủ cử động hàm ngụ một nhận thức, không thuộc tính suy lý, rất quen thuộc đến độ ta không ý thức, và thực hành hàng ngày nên trở thành vô thức. Đối thoại giữa nhà vua và người đóng xe khởi từ một triết lý liên quan tới vấn đề ngôn ngữ, trình bày trước đoạn văn dẫn trên:

"Cái mà chúng ta nghe được, là chữ và âm thanh. Khốn thay, con người tưởng…là những chữ này, những âm thanh này giúp họ nắm được thực tại sự vật - đó là một sai lầm. Nhưng họ không biết điều đó vì, kẻ biết/tri giác/tcheu, không nói ra và, kẻ nói thì không biết/tri giác." (Ch. 13 dt).

Billeter lý giải là Trang tử vẽ ra mối quan hệ mà chúng ta có thể tự quan sát: khi tập trung vào tri giác một thực tại khả xúc, ở trong hay ngoài chúng ta, ngôn ngữ không còn là trọng tâm ý thức của ta; ngược lại, khi ta dùng tới ngôn ngữ, chắc chắn ta không ngừng tri giác, song ta không thể tập trung vào nó. Wittgenstein cũng nói những điều tương tự như: Khi tôi nhìn một vật, tôi không thể tưởng tượng nó… Khi ta tưởng tượng nó, ta không quan sát nó. [Während ich einen Gegenstand sehe, kann ich ihn mir nicht vorstellen…Wenn wir uns etwas vorstellen, beobachten wir nicht.] Quan hệ này đính kết với chức năng của tinh thần chúng ta mà ngôn ngữ làm sai lạc, nên khi nói thì không biết, nên ta tưởng ngôn ngữ là biểu hiện chính xác thực tại. Nhiệm vụ của nhà tư tưởng là vượt qua cái bất hợp tự nhiên này.

Một ngụ ngôn khác trong chương 14: Hiểu sống/Comprendre la vie:

"Khổng tử ngắm thác Lã lương. Nước rơi từ độ cao ba trăm bộ rồi chẩy xuống sủi bọt suốt bốn mươi dặm. Rùa, sấu không thể bén mảng tới đó, vậy mà Khổng nhận ra một người đang lội ở đó. Ngỡ là một kẻ khốn khổ đi tìm cái chết, nên nói các đệ tử đi dọc theo dòng nước để cứu y. Nhưng qua mấy trăm bộ, người đó ngoi lên, bới tóc , vừa đi vừa hát trên bờ đê. Khổng chặn y lại và hỏi :Ta tưởng nhà ngươi là ma, nhưng đến gần mới biết là người sống. Xin hỏi : có phương pháp nào mà lội được như vậy? [Nhượng Tống dịch : Xin hỏi lội nước có đạo chăng ?] - Người đó đáp : Không, tôi không có phương pháp gì cả. Tôi khởi đầu với quen/kou, phát triển tính/sing và đạt tới mệnh/ming. Tôi cứ để bám theo cuộn sóng và trồi lên theo dòng nước lên, theo những chuyển động của nước mà chẳng vận theo ý riêng.[Nhượng Tống dịch : Tôi không có đạo gì cả ? Tôi bắt đầu với quen; lớn với tính, thành với mệnh. Cùng vào với làn xoáy vào...Cùng ra với làn cuốn ra...Theo đạo của nước mà chẳng vì ý riêng] - Khổng tử hỏi : khởi với quen, phát triển tính, đạt tới mệnh, là có ý gì ? Người đó đáp : Tôi sinh ra trên đồi này và cảm thấy như ở nhà : đó là quen. Lớn trong nước mà dần dà thấy tự nhiên: đó là tính. Không biết sao lại làm như thế : đó là mệnh. [Nhượng Tống dịch: Tôi sinh ra ở gò mà yên với gò, cái đó là quen. Lớn ở nước mà yên với nước, cái đó là tính. Không biết sao tôi lại thế, mà thế, cái đó là mệnh].

Theo Billeter, ba từ hoa cố, tính, mệnh là những phần của kinh nghiệm, thường để chỉ cái gì thuộc về quá khứ, đã trọn hay có trước, đó là ý nghĩa của (duyên) cố/kou, tính/sing dịch là tự nhiên, theo nghĩa trừu tượng của bản tính người, hay sự vật mà theo cổ nhân, không là dữ kiện hiện diện trước đó, mệnh/ming có ý nghĩa trật tự, mệnh lệnh mà cũng để chỉ số mệnh, tất yếu.

Tuy nhiên, đọc Trang tử theo Billeter 'thay vì xác định tiên thiên Trang tử như một nhà tư tưởng trung hoa, hay một nhà Đạo giáo/taoiste, ông đọc theo một cách đọc phê phán - có nghĩa là 'thận trọng và giàu tri tưởng' - và phán đoán xem những gì tìm thấy có tương ứng với những ý tưởng thu nhận. Quá trình đọc của Billeter như vậy, giống như ngày nay ta đọc Platon, Kant, Hegel, Marx trong một viễn cảnh hiện đại. Cho nên Billeter minh thi 'chính kinh nghiệm chứng thực việc dịch', trong khuôn khổ khả hữu, tránh dùng những từ khiến người đọc ngỡ là những khái niệm, biểu tượng hay thực tại đặc trưng là trung hoa, trong khi thực sự là mô tả một kinh nghiệm phổ quát. Vì vậy, trong những bản văn ngụ ngôn dẫn trên, Trang tử dùng từ ngữ tao/đạo để diễn tả điều gì đó thì ở bản dịch sang pháp ngữ, Billeter đã vận dụng những từ trong ngữ cảnh sao cho nắm vững được diễn ngôn của Trang tử. Trong thiên Hiểu sống 'đạo' dịch nghĩa là 'phương pháp' lội ở câu trước và 'chuyển động' của nước ở câu sau ; trong thiên Dưỡng sinh chủ 'đạo' dịch sang là 'cơ năng của sự vật'. Việc sử dụng đa điệu theo Billeter phù hợp với triết học ngôn ngữ của Trang tử trình bày trong chương 2 nhan đề Tề vật luận sẽ nói đến sau. Đọc và dịch Trang tử theo tiêu chí : tìm lại trong những lý giải tích lũy toàn bộ ý nghĩa mà tác giả gửi vào bản văn khi viết ra.

Sách Trang tử như Billeter nhấn mạnh là tác phẩm của một triết gia, nghĩa là của một con người nghĩ cho chính mình, trước hết tham khảo kinh nghiệm riêng của mình, cũng suy niệm về những điều người khác nói và sử dụng có phản tư ngôn ngữ. Có thể nói ngay từ khởi điểm, chúng ta hầu như không biết gì về con người Trang tử, mà chỉ có bản văn, nên nếu không đi tìm nơi văn bản thì không thể tìm ra tư tưởng triết học của ông. Thực sự, lối nhìn này chính là quan điểm chung của phê bình luận hiện đại. Billeter cũng viện dẫn Wittgenstein và hiện tượng luận hiện đại : Wittgenstein coi mô tả như thể hành vi triết học tột cùng hơn là giải thích, vì nó dựa trên kinh nghiệm sơ đẳng của ta, trên cái tương cận vô cùng hay hầu như trực tiếp, song những mô tả của Wittgenstein thật dốc hiểm vì đụng vào những khó khăn của ngôn ngữ ; miêu tả là cốt lõi của hiện tượng luận, song tản văn vô tận của các nhà hiện tượng luận hiếm cho cảm giác tiếp chạm chính sự vật. So với những tư trào này, Trang tử rất khác, trong hành ngôn ông đẩy xa tri tưởng không ngừng táo bạo, tác phẩm của ông chủ yếu là mô tả kinh nghiệm, dầu là kinh nghiệm thông thường. Những nhân vật như người đóng xe, lội nước, đầu bếp là những con người hoạt động, mô tả những biến đổi trong hoạt động tiến đến chỗ làm chủ được nghệ thuật của họ, khác với nhà hiện tượng luận với những điều mô tả trong một quan hệ tự nội có ý thức. Billeter gọi những hiện tượng ấy là những 'vận hành của hoạt động/régimes de l'activité' theo cái nghĩa thường nói về vận hành của một động cơ, nghĩa là điều chỉnh tốc độ tạo những quan hệ và hiệu năng khác nhau. Trong những bản văn của Trang tử chủ yếu là chú ý đến những 'biến đổi của vận hành'.

Billeter dẫn nhận xét của nhà văn siêu thực Julien Gracq phê phán 'hầu như mọi nhà tư tưởng, mọi nhà thơ tây phương ưa thích ý tưởng, ảnh tượng gợi lên cảnh giới, nghĩa là chia cách tinh thần với thế giới, và không chú ý đến những gì có liên quan đến...khuây ngủ/nhu nọa, tái hợp' nên trong khoa học cũng như văn học phương tây 'ít chú tâm đến những trạng thái thực sự sinh ra và hấp hối của ý thức'. Billeter cho Gracq hoàn toàn có lý, trừ mấy ngoại lệ mà chắc hẳn ông không quên, như trường hợp Montaigne kể kinh nghiệm ngã ngựa, Proust trong trường thiên tiểu thuyết viết về đi vào giấc ngủ với thời khoảng siêu quyết định của cảm quan và kỷ niệm. Trang tử đã nói về một vận hành của người say trong thiên Hiểu sống :

"Kìa kẻ say ngã xe, tuy đau không chết. Đốt xương đồng với người mà chịu hại khác nguời là vì thần họ toàn : cưỡi cũng chẳng biết. Ngã cũng chẳng biết. Sống, chết, sợ, hãi, không vào trong lòng họ. Thế nên nghịch với vật mà không khiếp. Họ được toàn về rượu mà còn như thế, huống chi là được toàn về trời. [tôi theo bản dịch của Nhượng Tống].

Billeter cũng dẫn một lời chú giải trong thiên Đạo lý/Ethique của Spinoza phủ bác ảo tượng về ý chí tự do của Descartes khi luận là con người chưa thể có một nhận thừc về những nguyên động lực của thân thể để có thể giải thích mọi chức năng, những gì quan sát về loài vật vượt khỏi trí khôn của con người, nhiều hành động của những người mộng du làm trong khi ngủ mà không dám làm khi thức, chứng tỏ 'thân thể chỉ theo những luật của tự nhiên có quyền năng hoàn tất nhiều hành động là kinh ngạc thần trí của mình' chỉ ra không phải ngẫu nhiên, giữa tư tưởng của Trang tử và Spinoza có một quan hệ ái lực sâu sắc. Đó là gặp gỡ giữa nhận thức về tất yếu và hình loại tự do thứ cấp rút ra từ nhận thức này, hay một viễn quan về tất yếu này.

Quyền năng và ý chí là những vấn đề chủ trong triết học hiện đại. Một trong những nhà tư tưởng dẫn đạo ngày nay là Michel Foucault, như Hinrich Fink-Eitel nhận xét đã xem 'quyền lực' là đề tài tranh biện, vì ông tin chắc nó là nguyên lý phát triển và hợp nhất trong xã hội chúng ta/Die bei Foucault verhandelte Sache heißt « Macht ». Es ist seine Überzeugung, daß sie Entwicklungs- und Integrationsprinzip unserer Gesellschaft ist. Quả thực, từ thập niên 70 của thế kỷ trước, Foucault có xu hướng nghiên cứu về quyền lực (phải chăng, ảnh hưởng của biến động '68 ở châu Âu đã tác động lên tư tưởng của ông?) đánh dấu từ tác phẩm Surveiller et punir. Foucault đề cập đến vấn đề lớn ngày nay là 'toàn dẫy quyền lực càng ngày càng tinh tế, tế vi tác động lên cá nhân trong ứng xử thường nhật cũng như trong thân thể riêng của họ. Chúng ta sống chìm ngập trong mạng lưới chính trị của quyền lực, và chính quyền lực đang trở thành vấn đề/(c'est) toute cette série de pouvoirs de plus en plus ténus, microscopiques, qui sont exercés sur les individus dans leurs comportements quotidiens et jusque dans leurs propres corps. Nous vivons immergés dans le filet politique du pouvoir, et c'est le pouvoir qui est en question' (Dits et Ecrits, t. II). Những bài giảng của Foucault tại Học viện Pháp/Collège France từ đầu năm 1971, nay đang lần lượt được xuất bản [từ La Volonté de savoir (1970/71) đến Le Gouvernement de soi et des autres (1983/84) cho đến nay ít ra đã có tám tập, chỉ tiếc là không theo trật tự lịch đại do việc biên tập] chỉ ra hành trạng tư tưởng ở giai đoạn này, đặt lại nghị trình tranh biện của thời quá độ và ảnh hưởng tới nhiều người đương thời. Hai quyền lực Foucault đề cập là quyền lực kỷ luật (kể cả quyền lực tâm bệnh trị liệu) áp dụng những kỹ thuật giám thị lên thân thể trong phạm vi trừng giới và quyền lực sinh học/sinh quyền áp dụng những kỹ năng chính quyền lên đời sống, dân chúng.

Trong nghiên cứu Trang tử Etudes sur Tchouang-tseu, Billeter viết mở đầu chương 2 dưới tiêu đề 'Non-pouvoir et non-vouloir'/phi quyền và phi dục : Nếu ta tin vào dật thoại kể trong thiên Thu thủy, Trang tử tỏ ra khinh thị quyền lực. Chuyện kể như sau :

"Vua Sở sai hai quan đại phu đến gặp Trang tử. Họ thấy ông đang câu cá bên bờ sông Bộc. Họ thưa 'vua nước tôi muốn đem trọng trách của nước giao ngài'. Không nhấc cần câu cũng chẳng quay đầu lại, Trang tử trả lời họ : 'Nghe nói nước Sở có con rùa thần chết đã ba ngàn năm? Vua Sở giữ bộ xương cốt của nó, bọc trong hòm vải, cất trong thái miếu. Hỏi, con rùa ấy mong chết sung sướng và được giữ cốt, hay sống lê đuôi trong chốn bùn lầy ? Hai đại phu đáp : Sống và lê đuôi trong bùn lầy'. Trang tử kết : Đi thôi, để tôi yên, tôi cũng sống lê đuôi trong bùn lầy như nó."

Tư Mã Thiên vì lẽ ấy mà ghi vào trong chuyện về Trang tử ở Sử ký ? Từ những chuyện chim Uyên-sồ trong đối đáp giữa Trang tử và Huệ tử, chuyện Tào Thương nước Tống (trong thiên Liệt ngữ khấu) và nhiều dật thoại khác trong Trang tử theo Billeter là một phê phán triệt để quyền lực. Lý giải này khác hẳn với những nhà nghiên cứu khác, thường quan niệm hiền triết Đạo giáo tránh tham dự vào chỗ quyền lực và sống ẩn dật để giữ được độc lập và yên tịnh. Nên nhớ Trang tử là một tác phẩm đa tạp như đã nói nơi trên, nên Billeter phân biệt hai loại : Trang tử và những tác giả vô danh chia xẻ quan niệm phê phán quyền lực với Trang tử, không phải những tác giả đưa những phần viết ghép thêm vào sách sau này. Loại người này coi phê phán quyền lực phải nhường chỗ cho biện hộ một thứ quyền lực lý tưởng, mà Thánh nhân thoát khỏi tham vọng thống trị và thực thi một hành động vô cảm và nhân ái ; như vậy không phải là phê phán quyền lực, mà là biện cãi cho một ý thức hệ chính trị. Theo Billeter, Kouo Siang [phiên âm của Billeter, tức Quách Tượng sống thời Ngụy Tấn Nam Bắc triều (252-312 CN) viết Trang tử chú] đã ảnh hưởng việc bình luận Trang từ đó đến nay, bỏ qua chiều hướng phản kháng trong tư tưởng Trang tử, vì đã biến đổi phê bình sâu sắc quyền lực thành một thứ biện hộ cho việc

Chính làm giảm nhuệ khí Trang tử, Quách Tượng đã tạo cho Trang tử lẫn tác phẩm này có một 'vị trí lâu bền trong văn hóa của những tầng lớp giai cấp thống trị của Trung hoa'. Trong chương kế nhan đề La mission de Yen Houei/Sứ mạng của Nhan Hồi của tác phẩm nghiên cứu Trang tử nói trên, Billeter khi đối chiếu thế giới trung hoa từ thời đế chế Tần Thủy Hoàng sang đến triều Tây Hán so với thời đại Trang tử, những điều kiện của đời sống chính trị, trí thức và đạo đức đã thay đổi. Quyền hành tập trung trong con người hoàng đế. Một ý thức hệ đế chế, kiểu Trung quốc đại đạo coi vua như trung tâm của mọi sự, quyền lực chuyên chế là tự nhiên, phù hợp với luật vũ trụ kể từ nguyên thủy đến về sau. Phải chăng vì thế người ta đã ngừng thấy thuyết bi quan nhân học/pessimisme anthropologique của Trang tử ? những kẻ tán tụng từ thời đế chế về sau không hiểu được cái giác tỉnh minh mẫn tàn nhẫn của nhà tư tưởng đạo lý và tinh thần phản kháng nơi Trang tử ? Billeter tóm lược cái tinh thần chú giải của giới (nho) sĩ và quan chức Nhà nước ấy xem Trang tử như dạy một nghệ thuật sống thích ứng với cái thế giới như hiện tình của nó, tiêu biểu như Quách Tượng viết bình giải cho chương Nhân gian thế của Trang tử : Chúng ta sống trong xã hội,không thể thoát ra khỏi nó, và những phong tục thay đổi theo thế hệ. Để thích ứng với thay đổi, hơn là chịu những xúc phạm , cần phải biết không theo đuổi mục đích nào, cũng không đặt để một vai trò nhất định nào [có nghĩa là sống tùy thuộc, đừng có đặt để gì khi theo thay đổi để không có những hậu quả phiền muộn - như bọn thời cơ sống trong những xã hội toàn trị hiện nay ?]. Thành Huyền Anh/Tch'eng Suen-ying (sống ở thế kỷ thứ 7) nối gót Quách Tượng, như những nhà chú giải kế tục cũng lấy lại quan điểm này. Vương Phu Chi, người đã viết để lại hai bình giải Trang tử cũng kể lại đọc sách này mà cảm hứng sống còn năm năm nguy hiểm dưới triều Mãn châu, theo cái quan điểm cổ truyền về 'nghệ thuật tinh tế cho phép kinh qua những giai đoạn xáo trộn mà không hại đến thân hay đến tha nhân' (trong Trang tử chú). Lối diễn giải Trang tử về 'nghệ thuật sống', nghệ thuật hòa với thế giới', hay 'triết học sống trong thế giới' của những nhà chú giải ngày nay ở Trung Cộng cũng dập khuôn như vậy. Cái gọi là tâm trai như một phương tiện để sống còn.

Phê phán quyền lực như Billeter dẫn ra trong chương 18 :

"Khi sang Sở, Trang tử thấy cái đầu lâu đã khô song vẫn còn nguyên vẹn. Ông dùng đầu roi nhắc nó ra và hỏi như thế này : Phải ngươi tham sống quá lẽ mà ra như thế này chăng? Hay ngươi ở đây vì đất nước bị chiến tranh tàn phá ? Hay vì người bị một rìu mà ra nông nỗi ? hay người đã hành động xấu mà không chịu được làm xấu người thân như cha, mẹ, vợ, con ? Hay vì ngươi chết đó, chết rét ? Hay vì năm tháng trôi qua của ngươi đến chỗ tận rồi ? Rồi ông lẳng lặng, mang đầu lâu theo, kê để gối đầu mà ngủ. Nửa đêm, đầu lâu hiện ra trong chiêm bao, nói với ông: 'Những lời ngươi nói chỉ trong tu từ học của biện sĩ. Ngươi nhắc đến những thống khổ cực dịch nơi người sống, những chuyện ấy không còn trong cái chết nữa. Người muốn nghe ta thuyết về chết không ? Trang tử nói : Muốn nghe. Đầu lâu nói : Chết thì không có vua chúa ở trên, không có tôi thần gì ở dưới, cũng không có chuyện bốn mùa. Thoát ra khỏi những cái đó và lấy Trời, Đất lâu dài làm tự tại. Ngay cái sướng khoái làm vua trị vì cũng không đạt tới cái vui thú đó. Trang tử không tin, nói : Nếu, sai được Thần Tư Mệnh làm sống lại hình hài ngươi, xương, thịt,da dẻ, trả lại cha, mẹ, vợ, con, bạn bè, hàng xóm cho ngươi, ngươi có chấp nhận không ? Đầu lâu sầm mặt, đáp : Ta sao có thể bỏ cái vui thú của vua mà chịu lại những khó nhọc của đời sống trần gian ?"

Cai trị là một khoái lạc, song còn một niềm vui cao hơn và bền vững vô cùng người ta biết sau khi chết là ở đó 'không có vua chúa ở trên, bầy tôi ở dưới nữa'. Nếu niềm vui này chỉ tìm thấy sau khi chết, như vậy những quan hệ của quyền lực ở khắp nơi trên thế giới này, kẻ này thống trị kẻ kia là một quy luật chung, không ai có thể thoát khỏi. Billeter ví cuộc đối thoại của Trang tử với đầu lâu toát ra vẻ kịch của Shakespeare.

Một đối thoại khác ở chương 5 Đức sung phù (Billeter dịch là Signes de puissance) giữa Thân Đồ-Gia là kẻ cụt chân với Tử Sản làm Tướng quốc nước Trịnh cùng học Bá Hôn Vô Nhân, ra khỏi nhà thầy, ngày hôm sau lại cùng nhau chung thềm, cùng ngồi một chiếu. Tử Sản bảo Thân Đồ-Gia : Ta ra trước thì ngươi ở lại ; nay ta sắp ra thì ngươi có thể ở lại chăng ? Ngươi không muốn nhường bước cho một Tướng quốc (kẻ cầm quyền chính) sao. Ngươi ngang hàng với ta sao ? Thân Đồ-Gia đáp : Nơi cửa thầy đây không có Tướng quốc nữa.Ngươi thích quyền bính của ngươi, không coi ai vào đâu nữa.

Lời trách của Thân Đồ-Gia minh bạch : 'người thích quyền bính của ngươi, không coi ai vào đâu cả' (nguyên câu văn của Billeter là : fort de ton pouvoir qui te plaît tant, tu te mets au-dessus des autres, nguyên tác Trung văn là : tử nhi duyệt tử chi chấp chính nhi hậu nhân giả dã) vì 'qua cửa nhà thầy không có kẻ cầm quyền chính như thế' (Trung văn : tiên sinh chi môn cố hữu chấp chính yên như thử tai) nghĩa là mọi ngôi thứ bị xóa bỏ, kẻ quyền bính cũng ngang với thứ dân, tội đồ. Billeter khẳng quyết có những nơi trong thế giới này, bình đẳng hiện hữu, ít ra là Trang tử cũng tưởng tượng có một nơi như thế. Ngoài những nơi ngoại lệ, thật hay ảo, luật thống trị hiện hữu cùng khắp. Trong một đối thoại tưởng tượng ở chương 4 Nhân gian thế Trang tử đặt vào miệng Khổng tử : Có hai quy luật lớn trong nhân gian thế này, quy luật tất yếu/mệnh và quy luật nghĩa vụ. Con yêu cha mẹ ấy là mệnh đã ghi khắc trong sự tự nhiên, không thể nguôi ở lòng, bầy tôi thờ vua là nghĩa, đi đâu cũng có một chúa để thờ. Không có cách gì để thoát ra trong khoảng Trời, Đất này.

Đạo lý của lịch sử, như trong những ví dụ ở nhiều đối thoại chỉ ra là con người quyền lực và thánh hiền là những kẻ sinh ra có bản tính khác biệt, thánh hiền minh nhiên coi kẻ quyền lực là kẻ quyền lực. Như lời Khổng trong thiên 18 : sợ Nhan Uyên hồi Đông sang Tề, nói với vua Tề về đạo của Nghiêu, Thuấn, Hoàng đề, Toại Nhân, Thần Nông mà vua Tề chẳng thấy ở mình những đức tính có thể so được, chẳng được thì ngờ , mà ngờ thì có thể giết. Lại chuyện vua Lỗ lấy cách nuôi mình mà nuôi chim biển đã giết chim. Nếu kẻ thần tử đánh giá cao những phẩm chất của mình, gây trong lòng nhà vua mặc cảm tự ti, ắt là chuốc họa.

Như đã nói ở trên, Billeter chỉ trích giới học giả dưới thời Hán cũng như thời Trung cổ sau này, người ta ngừng hiểu phê phán quyền lực trong sách Trang tử ; người ta không nhận thức ra nó nữa, chính vì cái hệ thống quyền lực áp đặt lên tinh thần con người khiến khó tiêu hoá được phê phán này, bởi hệ thống quyền lực đã coi thống trị như một lẽ tự nhiên, một phần tử của chức năng vũ trụ. Ông ví hệ thống quyền lực này để kháng như một con trai : nó tự bảo vệ trước tư tưởng của Trang và những người đồng chí hướng như ông, mà nó không thể tiêu hóa, bằng cách bọc lấy tư tưởng ấy như ngậm kín một hạt ngọc lại.

Billeter nghĩ đã phát hiện trong những thiên đối thoại ở Trang tử một ý niệm về bình đẳng. Cái bình đẳng này không phải bình đẳng kiểu hy lạp (những công dân tạo thành một cộng đồng những con người tự do), cũng không phải bình đẳng kiểu Do thái-Ky tô giáo (những con người bình đẳng trước một nhất Thần/Thiên chúa). Nó là một ý niệm khác, kết quả của một quy luật hiện diện như đính kết với những tương tác giữa những chủ thể người, theo quy luật ấy, ta chỉ có thể hành sử trên tha nhân, mà sống và cộng tác với tha nhân nếu như chấp nhận tha nhân cũng hành sử bình đẳng như vậy với ta.

Một ý niệm khác khai phá đồng điệu với ý niệm trên, khá diệu thay. Đó là người ta chỉ có thể hành sự lợi tha với kẻ khác nếu như ta từ bỏ cái hướng ý tác động trên kẻ khác, bất kỳ hướng ý gì. Một trong những nghĩa vụ lớn ấy đối với con người là giúp họ khám phá ra những nguồn tư lực của phi-dục, vì chỉ có phi dục dẫn dụ phi dục, nói đến sau đây.
(Còn tiếp)