CÂY SỰ SỐNG

 
 
 

Có lẽ thật khó giải câu đố này của Đức Đạt-Lai-Lạt-Ma XIV: “Ngứa gãi sướng hơn hay không ngứa sướng hơn?”. Câu đố đầy thách thức!
Nhưng câu chuyện lại được kể như vầy:
“Jéhova Đức Chúa Trời lập một cảnh vườn tại Ê-đen, ở về hướng đông, và đặt người mà Ngài vừa dựng nên [ Adam và Eva ] ở đó. Jéhova Đức Chúa Trời khiến đất mọc lên các thứ cây đẹp mắt, và trái thì ăn ngon; giữa vườn lại cócây sự sống cùng cây biết điều thiện và điều ác.”
“ Vả, trong các loài thú đồng mà Jéhova Đức Chúa Trời đã làm nên, có con rắn là giống quỉ quyệt hơn hết. Rắn nói cùng người nữ rằng : “Mà chi ! Đức Chúa Trời há có phán dặn các ngươi không được phép ăn trái cây trong vườn sao? Người nữ đáp rằng : Chúng ta được ăn trái các cây trong vườn, song về phần trái của cây mọc giữa vườn, Đức Chúa Trời có phán rằng : Hai ngươi chẳng nên ăn đến và cũng chẳng nên đã động đến, e hai ngươi phải chết chăng. Rắn bèn nói với người nữ rằng : Hai ngươi chẳng chết đâu; nhưng Đức Chúa Trời biết rằng hễ ngày nào hai ngươi ăn trái cây đó, mắt mình mở ra, sẽ như Đức Chúa Trời, biết điều thiện và điều ác.” “Jéhova Đức Chúa Trời phán rằng : Này, về sự phân biệt điều thiện và điều ác, loài người đã thành một bực như chúng ta; vậy bây giờ, ta hãy coi chừng, e loài người giơ tay lên cũng hái trái cây sự sống mà ăn và được sống đời đời chăng.”
[ Cựu Ước – “Sáng Thế Ký” – 2:(8,9) – 3:(1,2,3,4,5,6,7,22)]
Con rắn nói đúng, “Hai ngươi chẳng chết đâu”; vì ĐCT cũng lo ngại, “e loài người giơ tay lên cũng hái trái cây sự sống mà ăn và được sống đời đời chăng”. Vì cây đó là “cây sự sống”. Vâng, người đầu tiên ăn trái cây đó chính là bà Eva mà ĐCT đã thích nghĩa “Eva nghĩa là sự sống”[-chú giải của đoạn 3:20]
Một lần nữa con rắn nói đúng, “ĐCT biết rằng hễ ngày nào hai ngươi ăn trái cây đó, mắt mình mỡ ra, sẽ như ĐCT, biết điều thiện và điều ác”. Điều đó ĐCT xác nhận : “Này,về sự phân biệt điều thiện và điều ác, loài người đã thành một bực như chúng ta.”
Nhưng chính bà Eva tiên cảm, nên quí trái cây ấy, như Bà lý giải “vì để mỡ trí khôn”[3:6].
Ôi thôi rồi ! ham mỡ trí - mỡ mắt nên mới thấy mình lõa lồ ! Từ đó, loài người bước một bước khá xa, bỏ lại đằng sau các bằng hữu động vật của mình mà đi con đường riêng. Con đường phân biệt điều thiện và điều ác. Con đường của lý trí. Con đường của sáng tạo. Con đường của văn hóa. Mà cũng chính con đường này dẫn đến “sự sống đời đời”, hoặc “sẽ phải chết chăng” là điều mà ĐCT đã tiên liệu và ra lời cảnh báo !
Bản chất của trái cây ấy là “sự sống” nên ĐCT không vô tình mà đặt tên cho Bà là “Eva” cũng cùng một nghĩa là “sự sống” nên Bà Eva sẽ ăn trái cây ấy như một khẳng định: “sẽ được sống đời đời” là một điều hiển nhiên vậy ! Nhưng với lời cảnh báo của ĐCT: “Hai ngươi chẳng nên ăn đến và cũng chẳng nên đả động đến, e hai ngươi phải chết chăng.” Trước thách thức trọng đại ấy: chấp nhận? hay không chấp nhận? đưa Bà đến một sự chọn lựa:
Và Bà can đảm CHỌN! “vì để mở trí khôn”.
Và từ đó, TRÍ KHÔN có con đường để đi: “TỰ DO”.
Vâng, ĐCT đã sinh ra cây trái ấy và đặt vào vừa tầm tay Bà và còn cho Bà cái cảm xúc thèm thuồng với một cơn cám dỗ không cưỡng lại được do lời dổ dành của con rắn là loài khôn ngoan mà cũng chính Ngài mang đến làm bạn với Bà.
Nhưng ĐCT không gài, không cưỡng bách, không thử thách; mà là để ban cho Bà một đặc ân: TRÍ KHÔN ! và trao cho Bà cái quyền: TỰ DO!
So với các chủng loài khác, loài người thiếu nhiều may mắn : khả năng tự vệ và tấn công kém, tài thoát nạn thua xa các bằng hữu, cơ may sống còn trong thiên nhiên thật mong manh. Thế vậy mà loài người sống mãnh liệt nhất, lại chiếm ưu thế thượng phong, còn nhảy lên hàng thống trị muôn loài. Tình thế đảo ngược ấy nằm trong ân huệ của thiên nhiên ban tặng:bộ não! Sự cách biệt giữa chúng ta và các chủng loài khác cũng chỉ hơn kém nhau ở bộ não ấy thôi. Chính trong họ linh trường (tay dài) – loài người cũng bỏ xa do không ngoài bộ não của chúng ta trổi vượt hơn.
Giả như, khi ấy Bà nhác gan không dám vói tay lên hái trái cây ấy, thì nhân loại bây giờ sao nhỉ? Chắc chắn vẫn còn là bạn với lang trùng, hổ báo…vẫn còn lẫn vào loài chim bay, thú chạy !... đêm ngủ vách núi, ngày hái hoa rừng, uống nước suối trong…thơ mộng thật!
Ngay chính ngụ ngôn đã giải mã qua tiên cảm của bà Eva “quí vì để mở trí khôn”. Và chính trí khôn mới cho ra những nhận biết và phân biệt điều thiện và điều ác.
Và chính nó, “cái trí khôn” ấy lại là con dao hai lưỡi, như ĐCT phán: “Hai ngươi chẳng nên ăn đến và cũng chẳng nên đã động đến, e hai ngươi phải chết chăng” - thế nhưng – “e loài người giơ tay lên cũng hái trái cây sự sống mà ăn và được sống đời đời chăng”. Quả là một ân sủng khó đương ! Ân huệ càng lớn, trách nhiệm càng cao.
Loài người đã đủ khôn để sử dụng cái ân huệ trọng đại ấy của thiên nhiên chưa ? Nhà sử học W.Durand còn lo ngại điều ấy ; “Loài người vẫn chưa khôn!”.Loài người đã tận dụng cái trí khôn ấy để tàn hại nhau khá tận tình. Và cũng cái trí khôn ấy đã đưa nhân loại ra khỏi vùng tăm tối…bước thêm bước nữa vào vùng sáng lạn ! Bước đi ấy, trong nhân học gọi là bước hóa văn.
Uranium, Plutonium…nếu dùng để phụng sự nhân loại, nói như ĐCT “được sống đời đời”; còn để giết nhau thì “e phải chết chăng”.
Khôn sống! Mống chết!
Thiên nhiên không rút lại ân sủng đã ban. Loài người có trút đi cái ân sủng đó hay không là tuỳ vào sự chọn lựa của mình.
Tự thân cái ân sủng đó đã sẳn có cái chủng tử chọn lựa rồi : hoặc THIỆN, hoặc ÁC.
Cũng từ cái lý trí ấy mà biết điều thiện điều ác. Ẩn ngữ mà hiển nghĩa trong phép tỷ của văn chương “cây sự sống cùng cây biết điều thiện điều ác” là thông điệp mà người xưa gữi lại cho người sau.
Cho đến bây giờ, loài người đã khôn chưa?

 
 

Vũ Ngọc Anh