NÓI TOẠC CĂN NGUYÊN

 
 
 

Ngòi bút Ngô Thừa Ân không chút e dè, không hề lưỡng lự, chẳng nể nang mà cứ ung dung nói toạc căn nguyên. Tầm nguyên, rút căn là diệu lý văn chương mà tác giả mượn để trình cái bụng mài đao của mình. “Đao” đã mài, “Sân” đã sẳn thì sao lại chần chờ mà không vẫy vùng một phen cho thỏa chí tang bồng hồ thỉ. Mặc ai chê bai bài bác, Ngô tiên sinh cứ thẳng Đạo Nộ mà thênh thang – cái đạo “bất phất bất đạt” ấy!
Có lẽ cái anh chàng cuồng sĩ Tôn Ngộ Không cứ vác gậy đánh nà tới hang ổ, phá động, đốt nhà cho ra mặt chuột! lại mới làm được cái việc lôi tông trốc tích cả gia phả giống dòng yêu tinh chúng ra. Tát rặt cho bày mặt cá tôm!
Có lần đến đầu nguồn thì mới biết cội phát sinh! Có vậy người đọc mới nhận chân sự thật.Sự biến dị thế gian mới ra nguồn rõ cội!
Chôn chặc trong lòng đã lâu những biến dị bời bời nhân gian…chi sao không điên tiết, nộ khí xung thiên…nên Ngô Thừa Ân đành trãi lòng mình sạch sành sanh ra như tằm nhả tơ, không để sót lại chút gì làm của riêng. Đến kỳ nở nhụy khai hoa thì chuyện đến phải đến; chỉ còn bằng cách nói toạc móng heo trình làng thì mới vở lẽ thực hư.
Ở đầu kia Phương đông có một người vác gươm đi chiến đấu với kẻ làm nhục thế gian!
Ở đầu nọ Đông phương thêm một người tuyên ngôn giờ ta đã đến để rủa sã bọn loạn tôn bại giáo!
Nói thẳng mà không nói thật thì mọi chuyện vẫn cứ ơ hờ ra đấy sao tỏ được nổi lòng? Khi lòng đã quyết thì chỉ có chữ “thành” mới “thật”.
Muốn vào vấn đề một cách thẳng thắng – ngay thật, chi bằng đi thẳng đến tận cùng bản căn sự việc. Vì thế, chủ đề NÓI TOẠC CĂN NGUYÊN được tác giả xâu suốt tác phẩm một cách thống nhất, và tác giả chưa hề lơi lỏng trong chủ đích của mình.
Tác giả lùi lại đến tận nguyên lai của thuở hồng hoang cuộc hóa sinh “Ba dương hòa, nở muôn loài – Đá tiên chứa đựng đất trời tinh hoa – Hầu tinh từ trứng hóa ra”…mở ra căn cước lai lịch chính xác sự xuất hiện của Khỉ Đá “vẻ ngoài cũng chẳng thua ai hình hài”.[TDK.tậpI/10-tr.34]
Mỗi mỗi nhân vật đều với một lý lịch được truy cứu đến gốc ngọn tận tường : Tam Tạng được sưu tầm đến tận đời ông đòi cha… đến cả cuộc đời truân chuyên từ thuở nằm nôi. Trư Bát Giới, Ngộ Tịnh, Tiểu Bạch Long…và từng Ma Vương đều có căn cước rạch ròi gốc gác.
Có truy cứu đến tận căn thì nguyên lai mới được phơi bày rõ ràng dưới ánh mặt trời.
Để làm gì?
Để trị cái tội giáo bất nghiêm!: Căn nguyên của biến dị thế gian. Nguồn gốc của hủ tục nhân luân bời bời. Cội rễ của mê hoặc dung dưỡng. Chốn của ác ma hoành hành. Nơi của quỷ vương ngự trị, uy quyền được cũng cố, ân sũng siêu thăng.
Ghét đó mà vác nó quẳng vào hầm ngũ cốc luân hồi để gọi hồn:
“Các ngài đã ngồi lâu quá
Nay tạm xuống hố hôi tanh
Bấy nay hưởng nhiều đồ cúng
Làm người đạo sĩ anh minh
Bây giờ tạm xơi đồ thối
Trở thành thum thủm tiên sinh”
[TDK.tập I/10-hối 45-tr.103]
Nói toạc căn nguyên thì cốt một chữ THÀNH. Thành nên THỰC. Muốn sự thực được phơi bày thì Ngô Thừa Ân phải thoát ra khỏi cái lệ văn dĩ tải đạo chính thắng tà bấy lâu nay mà bày cuộc văn chương “tà thắng chính” của riêng mình. Do đó mà Tôn ta thua tuốt luốt: Hồng Hài Nhi, Linh Cảm Đại Vương, Ngưu Ma Vương, Ngân Giác Đại Vương, Độc Giác Tỷ, Hoàng Bà Lão Yêu…Thua mới cầu cứu sư tổ ma đầu và chỉ có tổ sư đầu ma mới triệu hồi nổi bọn hổn thế ma vương đó. Đó là dịp hạn hữu để Tôn mắng cái tội quản bất nghiêm của đầu lãnh ma vương. Ma vương có đầu lãnh bảo kê! Sự biến dị nhân gian có nguồn có cội!
Thiết bổng của Tôn Hành Giả đâu có chạm nổi đến cái lông chân của ma đầu. Thậm chí đến gậy sắt bịt vàng thần thông ấy cũng đã nhiều phen bị Phật Tổ, bị Lão Quân thu hồi dễ dàng thay! Ma vương trần thế đâu ai xa lạ: là đệ tử cưng của quí ngài Ngọc Hoàng Thượng Đế, của quí ngài Như Lai, của quí ngài Thái Thương Lão Quân cả đấy thôi. Có nước rặt mới bày mặt cá tôm. Có cháy nhà mới ra mặt chuột. Có nói toạc móng heo thì mới ra đầu rõ mối. Có lần đến đầu nguồn thì mới biết cội phát sinh.
Không dùng cái thủ thuật tà thắng chánh sao tróc nả cho tới nhà tới cửa, tận hang tận ổ mà biết nguyên lai, sao biết gốc bệnh mà hốt thuốc trị cho dứt căn – nói như y học ngày nay: “nội soi” đấy. Thua là chiến thuật Ariane của tác giả lần theo sợi chỉ mới tìm đến tận bộ tham mưu để bắt tại trận vị tổng tư lệnh các tướng giặc cho hết đường chối cải tại tòa vì cái tội tắc trách chỉ huy mà gây hậu quả nghiêm trọng, để buột kẻ lãnh đạo phải hoàn toàn chịu trách nhiệm. Ngô Thừa Ân đã đi đôi hia bảy dặm, bước một bước qua ba trăm năm qui trách nhiệm cho người lãnh đạo đối với việc làm tắc trách của người thừa hành. Quan làm bậy, vua không có trách nhiệm là cái thời loài người mới vừa ra khỏi hang. Thời đó là thời tác giả sống, nhưng tác giả đã gữi thông điệp này cho chúng ta ngày nay! Thời chúng ta là thời @ chứ có còn là thời đá mài nữa đâu mà chúng ta chưa hiểu ý tác giả. Có tích mới dịch ra tuồng! Và Ngô Thừa Ân thì toàn dùng truyện xưa, tích cũ để lôi cái hủ bại bày ra dưới ánh mặt trời hòng cho kẻ có của đó ra mà nhận; mà nếu không nhận thì ông gọi tên như xướng danh các tử sĩ tân khoa vậy.
Tưởng như Ngô Thừa Ân mặt mày đằng đằng sát khí của quan tòa quốc tế La Haye xử các vụ diệt chủng nhân loại: đổ trách nhiệm cho thủ lãnh; nhưng không! Ông hù chơi vậy mà, ông chỉ: “đánh cỏ cho rắn nó sợ” thôi. Nhưng lòng trắc ẩn của ông gữi sai đia chỉ: ông gặp phải rắng hổ mang! Mời bạn vào trong vườn Ca Dao Việt Nam dạo chơi sẽ gặp giống rắng này. Làm một chuyến discovery đi, rồi ghé thăm bà Hồ Xuân Hương, bả sẽ vén lên chỉ cho xem!
Thậm chí ông còn bị bê vào đền, đặt ngồi đó để hoán giải cái “bàn tay bẩn”(les mains sales), hóa cho nên huề vốn! Đó là chiến thuật “mượn thế” của Tôn Tẩn làm cho công của ông thành công cóc. Ông tâm sự, truyện của ông viết về ma quái, nhưng không phải để nói về ma quái; nhưng rốt cùng lại bị ma vọc! Bằng công án tỉ ngữ tà thắng chánh này, vào trận văn chương, tác giả chỉ mong đưa người đọc từ bờ mê đến bến giác mà lòng Người bộc bạch: “Tây du giải ách đọc ngay đây!”[Tây du thích ách –tr.25 tập I/10]. Có giải được ách không là có liễu được nghĩa, có hội được ý, có thấu được lòng tác giả hay không. Nếu không thì cũng đành uổng phí miệng phiền lưỡi khô![hồi II-tập I/10-tr.56] Và có theo bén gót Ngô tiên sinh suốt dọc Tây Du Ký mới vỡ cái lẽ giả định mà tưởng như giả đò của ông. Ông hư cấu ra một Đường Tam Tạng mà sai lệch hết cả lịch sử [có người khổ công đi tìm sự sai quá ấy]. Một vua Đường, một Phật Tổ, một Lão Tử chẳng đúng vào đâu cả. Chi vậy? Chỉ để ông có thể nói toạc căn nguyên mà vẫn giữ cái lễ với người xưa. Giữ lễ với người xưa cho ra lẽ với người nay!
Tác giả không làm sử nên không cần biết đến một Trần Huyền Trang, tác giả cũng chẳng phải nhà tôn giáo học nên Thích Ca, Lão Tử hãy còn xa lạ. Vì thế tên ra khỏi cung, lời ra khỏi lưỡichẳng trúng vào “họ”. Trúng vào ai nấy đau!
Ngôn tại, ý ngoại – công án tỷ ngữ - chứ không phải ngoại tượng bao bì mà bé cái nhầm. Điều đó chớ nên đi tìm-tòi-khám-phá-phát-minh cho rối óc mà hãy đến xem buổi đầu tiên Tôn Ngộ Không học “Đạo” với Tô sư Bồ đề. Thầy giới thiệu “đạo” trong các môn: với môn chữ “thuật” – với môn chư “lưu” – với môn chữ “tĩnh” – với môn chữ “động”, thảy đều bị Tôn ta từ chối; nên Thầy mắng: “Loài khỉ già kia, đạo này không học, đạo kia không học, còn đòi học cái gì?”[hồi II-tập I/10-tr.54-54] “Trong môn chữ “lưu” là các loại Nho gia, Thích gia, Đạo gia, Âm dương gia, Mặc gia, Y gia, hoặc xem kinh, hoặc niệm Phật, cầu trời giáng thánh”, Thầy ví như “trồng cột trong vách” nên “một khi cái nhà ấy đổ, thì cột kia cũng mục theo”[tr.52-53-sd-] Tôn ta không thèm học là phải, vì mục đích của Tôn là đi tìm cái trường sinh bất tử -cái vĩnh cửucái lẽ thường hằng, chứ loại không lâu dài, không bền vững: không học! không học! Vậy mà Thầy khen: “Thằng oắt con này quả là do trời đất sinh thành. Nếu không, làm sao đoán nổi ngầm ý của ta” – “Đã hiểu được ngầm ý của ta, thì lại đây nghe cho kỷ, ta truyền cho phép sống lâu mầu nhiệm”[tr.57-sd-]
Phật Tổ chê đệ tử bán kinh rẽ! Chuẩn thuận cho môn đồ đòi của lót tay mới trao kinh! Cố gắng gây cho đủ 81 nạn mới an tâm số luận! Phật Tổ phục dưới trướng Ngọc Hoàng [được vời là đến ngay] để hàng yêu, phục quái giúp…bị Lão Tôn mắng là lừa đảo! vì bội ước với Lão, đè Lão dưới núi Ngũ Hành 500 năm. Đệ tử Đức Thích Ca là hổn thế ma vương: Hoàng Bà Lão Yêu, Di Lặc… sau khi loạn đã thế gian, ma vương đều được ân thưởng, thăng cấp!
Phật Bà Quán Thế Âm, cánh tay mặt, sứ giả của Phật Tổ…hay quên lời dặn của Ngài: không được đi mây về gió….phải đi trên mặt đất [được dặn dò nhiều lần như thế], nhưng Bà ta vẫn cứ“đi mây về mù”. Đệ tử Bồ Tát là Hồng Hài Nhi, là Linh Cảm Đại Vương…tội ác được siêu độ! được vinh thăng phẩm trật!
Thái Thượng Lão Quân cũng đầu quân dưới trướng Ngọc Hoàng, vâng mệnh chiếu chỉ đi thâu phục Mỹ Hầu Vương…Đệ tử cũng rặt phường yêu quái làm loạn đả nhân gian: Ngưu Ma Vương, Kim Giác Đại Vương, Ngân Giáp Đại Vương…cũng được thầy độ trì siêu thoát!
Có phải đấy là những hình ảnh trung thực? Hay bị bóp méo - sai sự thực?
Câu trả lời nằm trong lòng(tim=tâm) Ngô Thừa Ân: hung trung đao đã mài mòn! chi bằng vào bụng…lấy ĐAO CHÉM TÀ!
Ngô tiên sinh mở lòng tâm sự: “Truyện của ta là truyện ma quái, nhưng không phải để nói về ma quái….” Vậy nói về gì? Văn chương thuộc về thể tỷ ngữ chăng? Văn chương thần thoại thuộc về thể ngụ ngôn chăng? Nhà văn hỏi chúng ta: “làm sao hiểu nổi ngầm ý của ta?”
Ngầm ý, phải chăng là ngụ ngôn? Ngụ ngôn là thể tỷ của văn chương bằng phương pháp hoán dụ: mượn đầu heo nấu cháo, mượn từ diễn ý. Ngô Thừa Ân mượn những chuyện cổ tích, thần thoại, huyền sử lưu truyền phổ biến trong nhân gian với cả ngôn ngữ thông tục ấy vào cái ước lệ cho riêng mình. Đầu heo đã ra thành cháo, từ thì đấy, mà ý thì đây: “Rằng hay thì thật là hay, nghe ra ngậm đắng nuốt cay thế nào!”

 
 

(GẬY NHƯ Ý)

Vũ Ngọc Anh