PHIM Có Thể Là Một Áng Văn Học Không?

 
 
 

Tiểu thuyết là câu chuyện kể mang tính nghệ thuật ngôn ngữ và ẩn màu sắc tư tưởng. Khi chưa có chữ viết thì kể bằng miệng. Lúc kể chuyện, muốn cho hấp dẫn; nghệ sĩ dùng một số bộ điệu đóng thế một số vai để câu chuyện trở nên sống động hơn. Đó là tiền thân của bộ môn kịch về sau. Và bộ môn kịch sớm được đưa vào văn học, và ngay ở buổi ban đầu, gần như nó chiếm lĩnh trên văn đàn đầy uy lực hơn so với tiểu thuyết văn chương chữ viết.
Bi kịch – hài kịch trên văn đàn Phương tây là một ví dụ. Các tác giả bi kịch Hylạp như Euripide, Sophocle, Aristophane và hài kịch Latinh như Sénèque, Térence được kính trọng trong nền văn học Pháp.
Kịch là loại hình mô tả bằng động tác nên gặp nhiều khó khăn trong phổ biến, nhưng lại có nhiều lợi thế trong cảm nhận nơi người xem hơn là tiểu thuyết chữ viết. Nhưng cái trở ngại của kịch hôm nay được khắc phục rất nhiều và đạt đến lợi thế hơn tiểu thuyết nhờ vào kỹ thuật, bằng cách chuyển tải qua “phim”. Kịch cũng là một cách chuyển thể văn chương, và rồi “phim là kịch được nối dài” vậy : cũng nhờ vào kỹ thuật mà nghệ thuật diễn đạt với được tới tầm cao có thể, qua mặt được bộ môn kịch.
Người xem phim có thể cảm nhận một diễn biến tâm lý, suy nghĩ của nhân vật qua từng nét mặt, đến tận từng chi tiết ánh mắt, nếp nhăn trên trán hoặc một cử động nho nhỏ của ngón tay, bàn chân…(gros plan).
Về luật “Ba duy nhất”(thời gian, địa điểm và hành động) của kịch chuyển qua điện ảnh thì được rộng mở hơn, uyển chuyển hơn; giúp cho đạo diễn thể hiện cái mật ngữ của tác giả gởi gắm để người xem dể dàng cảm thụ đến sâu sắc hơn.
Phim cũng gần với tiểu thuyết hơn kịch ở chổ nó có thể mượn cảnh để diễn tả tâm sự “người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”. Kể cả kịch và phim đều có âm nhạc hỗ trợ hiệu quả trong sự gợi mở sức tưởng tượng cho người xem hơn là người đọc.
Do đó, kể về mặt ưu thế truyền cảm xúc, đẩy mạnh sức tưởng tượng, thì phim trội hơn hẳn kịch và tiểu thuyết; nên người xem phim “sống” với nhân vật thật hơn. Và trên phương diện nghệ thuật, phim tổng hợp đươc các ưu thế của cả kịch và tiểu thuyết; và khắc phục được nhiều hạn chế hơn hai bộ môn trên. Chính vì sức mạnh ấy của phim nên tác dụng của nó cũng hết sức cường liệt. Tốt thì cũng ảnh hưởng tốt ngay, mà xấu thì cũng sẽ xấu tức thì. Một tác phẩm văn chương (tiểu thuyết - kịch) được chuyển sang phim thì hình như sức mạnh của thông điệp có tác dụng hữu hiệu hơn. Sức quyến rũ, tính phổ biến chính là lợi thế của Điện ảnh, giúp Điện ảnh chuyển tải cái hoài bão của kịch và tiểu thuyết bị chặn đứng trước ngưỡng cửa của những người ít chữ. Cái thú đọc sách của người biết chữ chia sẻ cùng người ít chữ nhờ cái thú thưởng thức phim; cũng như cái khoảng cách văn học, Điện ảnh sẽ mang họ xích lại gần nhau hơn. Cái tế nhị, cái ẩn ý mà tiểu thuyết muốn gợi mở, báo động làm cho độ giả phải suy gẫm, thì Điện ảnh sẽ đền bù lại cho người không đọc tiểu thuyết. Người VN hôm nay, “đọc” Thuỷ Hử, Tam Quốc Chí, Hồng Lâu Mộng, Tây Du Ký…Le Cid, Thằng Gù Nhà Thờ Đức Bà Paris, Cuốn Theo Chiều Gió, Nghìn Lẻ Một Đêm… nhiều hơn cha anh của họ. Và rồi đây có thể người ta (không phải tất cả) sẽ “nghe tiểu thuyết” hơn là đọc tiểu thuyết.
Sự tương tác giữa kịch, tiểu thuyết và phim đã trở nên máu thịt. F. Sagan chuyển cái không khí mơn man buồn ở tiểu thuyết của bà sang kịch hết sức thành công; cũng như B.M. Koltès tạo ra không khí tiểu thuyết đen trong các vở kịch vậy. Và Lý Tiết đưa cái giả tưởng vào hiện thực mà người xem phim thì tìm lại được chính mình trong Tây Du Ký.
Một chiếc lông chim phiêu bạt trong không gian – hay là một thân phận nổi trôi trên giòng đời; “số phận là thế đấy !” được đạo diễn trình bày trong phim “Forest Gump”. Một tượng trưng gợi mở ở văn chương là “từ một tập hợp từ tới một mạng lưới các ý tưởng”(*) mà trong phim là hình ảnh : “Chiếc lông chim !”
Kịch - Tiểu thuyết – Phim chỉ là ba phong cách nghệ thuật thể hiện của văn chương, và cùng đóng góp vào sự phát triển ngôn ngữ, khai mở tư tưởng và làm giàu thêm cho tâm tình nhân loại hơn lên. Và Điện ảnh : một phương tiện mới, một cảm nhận mới; chúng ta có thể có một ý niệm mới hay không ? Cái mới chưa kịp tạo được danh nghĩa chánh thống liệu nó có nguy cơ bị gạt ra ngoài cái chính đáng hay không ?
Kịch đã được vào văn học, thì sao văn đàn lại đóng sầm cánh cửa trước mặt Điện ảnh khi mà Phim xét về tất cả mọi mặt nghệ thuật thì nó là một thứ kịch nghệ thứ hai, tức “kịch được nối dài” đó.
Cuộc tranh luận về tiểu thuyết và phim của nhà văn trước sức mạnh của bộ môn nghệ thuật thứ bảy này cho ta thấy nỗi lo lắng của họ không phải là không có cơ sở. Vì cái thú đọc sách là ở sự thưởng ngoạn văn chương chứ không phải là thứ ngoạn cảnh như người xem phim. Thú khám phá cái huyền ngôn mật ngữ mới là cái nhã của người đọc. Tác giả khi đắc một từ, một câu, một ý cũng là cái thú của người đọc thưởng thức cái kho trời chung mà vô tận của mình riêng.
Cái thú ấy, người xem phim cũng tận hưởng được cái vị mặn mà của câu nói ý nhị, cái chất ngọt ngào của ngôn ngữ phong nhã, cái hương thơm của tư tưởng đượm tình : với người, với thiên nhiên, với những người anh em nhỏ bé cùng chia sẻ sự sống với chúng ta trên cái giọt bùn bé nhỏ mong manh này.

 
 

Vũ Ngọc Anh


(*)-[C.Ligny – M.Rousselo, “Văn học Pháp” –tr.108-xb.Giáo Dục – 1998]