Đoản Khúc Hoài Niệm

 
 
 

1.
Bao giờ Người về sông Tương

Vẫn nghe lời nhắn gửi:

“ Ai có về bên Bến sông Tương
Nhắn người duyên dáng tôi thương
Mối tình tôi vẫn cô đơn”...


Xa lắm phải không và biết bao cách trở?

Phải chăng xa xôi cách trở nên càng nhớ nhiều? Những giây phút gặp gỡ ngắn ngủi cũng là những kỷ niệm thân quý.

Nhớ ngày nào, một buổi sáng nắng hiền hòa, cùng người bạn gái bước trên bậc thang cuối lên giảng đường VK, đã gặp ánh mắt trầm ấm và nụ cười thân thiện của Người giữa những ánh mắt bạn bè chung quanh.

Nhớ một buổi ngồi học ở thư viện muộn, Người đến bên đưa mượn cuốn sách đang muốn tìm đọc, cũng nụ cười thân thiện và ánh mắt trầm ấm thay lời nói. Chỉ biết mĩm cười và “cám ơn”.

Nhớ một trưa nắng hanh vàng, ra trường về nhà, chiếc xe đạp trở chứng ù lì không chịu chạy, đang lúng túng xoay xở Người đã đến cạnh đỡ lấy xe và căm cụi chỉnh sửa. Cũng vẫn ánh nhìn ấm áp và nụ cười mĩm nhẹ. Không một lời nào. Lại “cám ơn“ Người.

Nhớ một buổi chiều gió nhẹ, cây lá sẫm màu xanh mát, sau buổi học nhân tiện đường Người đưa về bằng xe máy. Đến bên cổng nhà, Người gật đầu chào từ biệt, ánh mắt như theo bước chân vào cổng, và cũng nụ cười rất thân thiết. Lại chỉ biết “cám ơn” Người.

Sao những lúc ấy Người không nói một lời nào?

Người vốn ít nói nhất trong những bạn bè ngày ấy?

Có lẽ Người hay nói bằng ánh mắt nhiều hơn?

Nhưng rất hiểu tình bạn thân ái, gần gũi và trìu mến của Người riêng trao.

Hình như đôi lúc Người muốn nói điều gì đó?

Thật tình mong muốn nghe, nhưng lòng lại bảo: thôi Người đừng nói.

Vì cảm nhận được điều Người muốn nói, trong ánh mắt, trong nụ cười.

Vì không biết sẽ trả lời sao, nếu...

Điều mong muốn lúc ấy là được mãi mãi là bạn của Người. Vì Người đối xử với bạn bè quá ư thân thiết, tận tình và trầm lặng. Một tình bạn thật dịu nhẹ và đầm ấm, thật rộng mở và sâu lắng!

Trong tâm nguyện mong giữ mãi tình cảm đẹp đẽ ấy với Người.

Vẫn nhớ mãi một ngày lễ, cùng anh chị và các bạn chạy xe Honda lên chùa BD. Đường đi xa mà vui quá. Đến ngôi chùa tĩnh mịch giữa rừng cây, hương hoa lá làm tâm hồn như rộng mở, hài hoà và yên bình. Sau cuộc đàm đạo kinh kệ với Thầy trụ trì, thơ thẩn bước ra ngoài vườn ngắm cây cảnh cùng AD (người bạn thường đi học chung trên lớp, thường chở giúp về nhà, thường ngồi giải lao nói chuyện thơ văn… ). Khí trời hôm ấy thật trong lành, gió hiu hiu, nắng xế hắt vàng ánh trên hoa kiểng vườn chùa. Giữa màu xanh cây lá quanh chùa, đang nói với bạn D vài câu chuyện vui, Người chợt bước ra, báo rằng Thầy gọi vào làm lễ Quy y. Vẫn nụ cười nhẹ và ánh nhìn sâu thẳm, Người dí dỏm một câu: “Vào xì- trum mà còn xì- trum” (bạn bè hay nói giỡn chơi bằng từ “xì-trum” bí ẩn, ai muốn hiểu gì tùy ý).

Nhìn lại, định nói: “Không phải xì- trum đâu”.

Nhưng thôi lặng thinh không nói gì cả, chỉ mĩm cười. Nghĩ Người tự hiểu.

Vẫn nhớ vào những năm tháng đầy biến động, trong một toàn cảnh phải chọn lựa cho những người trẻ lúc ấy, ở một buổi họp mặt nhỏ, có ai đó đã nói (hay là hỏi) một câu rất ngắn mà sâu sắc: “Phải sống làm sao để khỏi phải đánh mất chính mình?”. Phải làm sao?

Không một câu trả lời. Không có lời đáp.

Mọi người trầm ngâm bên những ly cà phê đậm đắng, ly chanh rhum ngọt the ở quán nhỏ bên lề đường ngập lá me rơi - café Lá Me.

Ngày ấy, câu nói vừa nghe khiến ai cũng xót xa, muốn bật khóc. Biết là vậy, nhưng phải làm sao đây.

Ai có thể sáng suốt trước tình thế bắt buộc lựa chọn? Và sự chọn lựa nào là hoàn toàn như ý? Sự lựa chọn nào là đúng hơn?

Ai cũng bập bềnh trên sóng đại dương xô đẩy.

Ai cũng như xoay vần trong thiên cơ kỳ diệu.

Cũng như tại sao người chọn đi xa, người chọn ở lại. Tình cảnh “Ra đi, hoặc từ bỏ gia đình!”, “Ở lại, hoặc từ bỏ mẹ cha!” thì phải lựa chọn thế nào?

Thôi thì! Gặp nhau rồi xa nhau. Gần rồi xa... Để lúc nào cũng phải kiếm tìm, chờ đợi, mong mỏi và mãi mãi hoài niệm.

Có lúc đứng bên hành lang tầng trên giảng đường ngắm từng chùm hoa phượng đỏ thắm, tiếng gió xào vạt lá... tưởng như bước chân Người đang đến gần, và chỉ cần bàn tay nắm lấy tay siết nhẹ. Chỉ cần thế thôi, không mong Người nói lời nào.

Cũng hiểu rất nhiều, Người ơi!

Có lúc ngồi một mình trong lớp vắng ban trưa, lật hoài những trang sách đặt trên bàn, không thấy dòng chữ nào, chỉ thấy đôi mắt nhìn thăm thẳm và nụ cười thật nhẹ của Người. Nhắm mắt lại, mong rất mong Người đến ngồi cạnh bên; và rồi nhè nhẹ âm vang tiếng đàn guitar cùng tiếng hát những tình khúc êm đềm như ru bên tai.

Chỉ mong như thế, Người không phải nói lời nào, Người có hiểu không?

Sao những lúc ấy Người không đến?

Như thế đó, những hoài niệm…

Vẫn nhớ hoài, Người ơi!

Vẫn mãi chờ bên bến sông Tương.

Về đây Người hởi, với ánh mắt trầm ấm và nụ cười thân thiết ngày nào, mặc dù cuộc đời đã chất nặng dấu thời gian.

Bao giờ về bên Bến sông Tương, hở Người?

hoài trùng dương

2.
Em như tự ngàn xưa

Bạn thân yêu ơi, bạn có biết không?

Nhớ hoài buổi đầu tiên nhìn thấy bạn, biết bạn. Sự gặp gỡ có vẻ thật bất ngờ, lạ lùng.

Buổi học sáng trên giảng đường rộng tầng một, ngồi nghe thầy giảng bài, ghi ghi chép chép một lúc cảm thấy mỏi mệt, đầu óc đầy ắp những câu từ. Rời khỏi bàn học, định ra ngoài tìm một chút thoáng mát. Đi xuống mấy bậc tam cấp, bước chân thơ thẩn tình cờ hướng về phía văn phòng của nhóm NC. Gặp ngay ST đứng trước cửa, vẻ mặt tươi cười vui vẻ, nói rất hào hứng: “Lại đây chỉ cho Vy xem. Hôm qua K mới làm quen một cô bé xinh rất xinh và dễ thương lắm”. Lời ngợi khen một cách hồn nhiên và thật tình của ST làm mình cũng thấy tò mò nôn nóng. Theo hướng mắt nhìn của ST, gặp ngay một vóc dáng áo dài trắng mảnh mai đang tựa bên góc hành lang lầu hai trò chuyện với bạn cùng lớp... Bất chợt, như linh cảm người ấy nhìn xuống phía này… Đúng rồi, xinh thật, dễ thương thật! Khuôn mặt sáng với hai bím tóc thắt nơ hoa đỏ, đôi mắt đen tròn lấp lánh nét ngơ ngác mà tinh nghịch. “ Nàng thơ KN của K là cô gái Huế, cũng học ban Triết - ST kể thêm - Vy có muốn làm quen không?”

“Có chứ, nhưng chưa biết làm sao để quen đây!”. Cùng đi ra quán cafe tiếp tục trò chuyện với ST mà cứ ấn tượng khuôn mặt sáng nét cười và ánh mắt tinh anh. Cứ băn khoăn tự hỏi. Sao cảm thấy rất lạ mà lại rất quen? Khuôn mặt rất lạ như ở đâu từ phương xa bất chợt xuất hiện, nhưng lại thật quen thuộc như đã từng gặp gỡ đôi lần. Bạn từ đâu đến? Aùo dài trắng thướt tha, gương mặt xinh tươi rạng rỡ với tóc bím cài nơ hoa, với đôi mắt tròn xoe, đen láy luôn mở to vẻ ngạc nhiên và tinh nghịch, miệng mĩm cười cười như quen như lạ? À, nhớ ra rồi. Đúng là quá ư quen thuộc với mình. Đó chính là khuôn mặt như thiên thần của những nàng công chúa ngây thơ, kiều diễm đáng yêu trong các phim truyện cổ tích Hy La. Những bộ phim với câu chuyện huyền thoại mình luôn yêu thích, mê say từ lúc tuổi thơ bé bỏng cho đến tuổi hai mươi nhiều mộng mơ. Từ thuở bé, mình luôn yêu mến, ngưỡng mộ những nàng công chúa như “Bạch Tuyết và bảy chú lùn”, “Người đẹp ngủ trong rừng”, “Công chúa Lọ Lem”, “Hồng Hoa, Bạch Tuyết và hoàng tử gấu”, “Công chúa Allabella”…; hay là những nàng công chúa - hoàng hậu xinh đẹp có thật trong lịch sử như “Sissi - hoàng hậu Aùo quốc”, “Nữ hoàng Victoria” (do diễn viên Romy Snheider đóng vai); hay là nàng Mỵ Nương, con gái của Hùng Vương, ngây thơ ngơ ngác giữa sự tranh chấp của Sơn Tinh và Thủy Tinh: …Mỵ Nương thốt kêu:

(giọng kiêu hay buồn,
không ai hiểu?
Nhưng thật dễ thương)
“Ô!vì ta”…

(Thơ Nguyễn Nhược Pháp)

Như thế đấy! Bạn xuất hiện đầu tiên trong mắt tôi như một nàng công chúa yêu kiều, thùy mỵ đang mong chờ một chàng hoàng tử oai vệ hiên ngang và dũng cảm.

Dáng dấp thanh thoát, khuôn mặt khả ái, ánh mắt trong sáng, nụ cười xinh tươi như ghi khắc dấu ấn đậm nét trong tâm thức tôi, làm không thể nào quên hình ảnh ngày đầu gặp gỡ.
Và sau đó, không nhớ rõ như thế nào, cũng không hiểu tự lúc nào mình và bạn lại gần nhau, nói chuyện thân thiết, và mối tương giao giữ mãi đến giờ.

Cũng từ đó, mỗi lần nghĩ đến bạn thân ái mình lại liên tưởng đến những câu thơ:

Đêm xưa là đêm của ngàn sao
Em xưa là dân bộ lạc nào?
Đêm vẫn là đêm của ngàn sao
Em có còn em của thuở nào?


Bạn có nhớ chăng những ngày ấy? Khi đến lớp học, hoặc đến thư viện đọc sách nghiên cứu, ta vẫn thường tìm gặp nhau trò chuyện đôi câu. Có những buổi cùng học LSTT ở giảng đường, bên tai vẫn nghe lời thầy giảng, nhưng thỉnh thoảng vẫn chuyền qua lại cho nhau một vài mảnh giấy con con ghi những dòng chữ thơ thẩn lan man về những suy tư băn khoăn hay mơ mộng vu vơ, hoặc viết vài câu thơ văn hay đẹp, vài câu phương ngôn của cổ nhân hợp ý hợp tình lúc bấy giờ (Những mảnh giấy nhỏ ghi vài câu chữ chi chít, vài nét phác họa vẩn vơ... giờ đây đã phai nhòa cũ kỹ, nhưng ta vẫn còn lưu giữ một ít đến nay; vì đó là những kỷ vật xinh xinh dễ thương của một thời những ngày xanh).

Ta vẵn nhớ như in những buổi ngồi trong lớp học ở dãy phòng trệt bên góc cây phượng, thỉnh thoảng hay đưa mắt nhìn ra phía hàng cột cao hành lang giảng đường để nhìn ngắm bóng dáng thướt tha nàng công chúa áo trắng (hay áo tím) cùng đi sóng đôi với chàng hoàng tử hiên ngang có mái tóc bồng bềnh (dáng vẻ nghệ sĩ hơn là hiệp sĩ). Hình ảnh nên thơ ấy đã làm cho sân trường như đỡ hanh nắng trời hè gay gắt, dãy hành lang giảng đường như đỡ thênh thang hoang vắng, và cả ngôi trường ba tầng màu vôi vàng nhạt như trở nên sinh động vui tươi, bớt đi nét lặng trang buồn tẻ vào những tháng đầu hạ.

Cũng không quên một ngày nọ vào những ngày tháng năm đầy biến động, đột nhiên bạn bỏ đi mất biệt về một vùng đất xa. Mong nhớ và lo ngại “ nàng công chúa” sẽ đi lạc mất hút trong biển đời mênh mông, mình đã nhắn gởi gọi “nàng” hãy trở về với “lâu đài tuổi ngọc” cùng bạn bè thân thiết. Bạn đã đáp lời và trở lại thành phố đến hôm nay.

Bạn thân yêu ơi! Dù cho “Đêm hết là đêm của ngàn sao” nhưng mãi mãi “Em vẫn là em của thuở nào” trong tình bạn đẹp muôn đời của chúng ta.

Hãy ghi nhớ một câu nói hay của người xưa: “Nếu không tình bằng hữu, đời còn gì ý vị” (Diderot).

 
 

(Hải Vy)

Hoài Trùng Dương